Cà phê luôn là lựa chọn đầu tiên để bắt đầu một ngày mới hứng khởi. Từ năm 2019 đến 2024, thị trường cà phê được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,5%. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của phân khúc thị trường này. Đi kèm với đó, một trong những thương hiệu vô cùng có tiếng là Starbucks với hơn 30.000 cửa hàng cà phê trên toàn thể giới đã mang đến một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Starbucks đã vô cùng thành công khi ứng dụng gamification vào công cuộc thu hút và giữ chân các khách hàng trung thành của mình.

Với “Starbucks Rewards”, Starbucks dành tặng những phần quà miễn phí và giảm giá cho các khách hàng, khiến cho họ có nhiều lý do để chọn Starbucks thay vì các thương hiệu khác. “Starbucks Rewards” đã mang lại thành công lớn cho Starbuck với doanh thu tăng 4,6% (6,31 tỷ USD) cùng quý so với năm trước. Trong vòng hai năm, số lượng thành viên sử dụng chương trình này của Starbucks đã tăng hơn 25% (16 triệu thành viên). Qua đó, Starbucks cho phép khách hàng có thể kiểm tra số dư thẻ quà tặng, điểm và đơn đặt hàng của họ thông qua điện thoại, trang web, tại cửa hàng hoặc trên ứng dụng thân thiện với người dùng của thương hiệu. Chính sự kết hợp đa kênh này đã kích thích và khuyến khích khách hàng tham gia ở nhiều cấp độ.

Vậy, “Starbucks Rewards” hoạt động như thế nào?

“Starbucks Rewards” là một ứng dụng di động giúp đặt hàng và thanh toán trực tiếp dễ dàng. Hệ thống đặt hàng tựa như một công cụ tiếp thị kỹ thuật số, cho phép khách hàng có thể nhìn thấy các sản phẩm mới của Starbucks trước khi ra mắt. Ứng dụng này cung cấp cho người dùng những trải nghiệm cá nhân sáng tạo và hấp dẫn như việc họ đang sở hữu một chuỗi cà phê của riêng mình. Ngoài ra, giao diện thân thiện với người dùng cũng là một động lực khiến cho khách hàng sử dụng “Starbucks Rewards” nhiều hơn.

Với ứng dụng này, Starbucks thu thập thông tin về thói quen, sở thích của khách hàng,... từ đó giúp hiểu được và có thể tạo ra cách giao tiếp phù hợp hơn. Theo một cuộc khảo sát của Manifest - một công ty khảo sát dữ liệu công nghệ vào năm 2018, Starbucks là thương hiệu thành công nhất trong việc duy trì mối quan hệ với khách hàng thân thiết bằng ứng dụng này (48%). Ứng dụng mang đến cho khách hàng sự tiện lợi và thông báo rõ ràng cách mà khách hàng có thể lấy được điểm thưởng (sao) và những gì mà họ có thể nhận được từ chúng. Chiến lược game hóa mạnh mẽ đã được thúc đẩy bởi các ưu đãi độc quyền mà chỉ những người tham gia ứng dụng mới có thể đạt được.

Các thay đổi và cải tiến đối với chương trình “Starbucks Rewards” đã mang lại thành công cho Starbucks. Sau đó, Starbucks cũng đã cải tiến chương trình phần thưởng của mình ở Bắc Mỹ để cung cấp quà tặng cho các khách hàng không truy cập thường xuyên nhằm tạo nên sự linh hoạt và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Chẳng hạn như khi khách hàng bước vào Starbucks, bất kỳ giao dịch mua nào mà họ thực hiện đều có thể được sử dụng để nhận phần thưởng. Bên cạnh đó, phần thưởng của Starbucks sẽ tạo thành một chương trình cấp duy nhất, nơi tất cả các thành viên có thể bắt đầu kiếm sao để nhận phần thưởng miễn phí kể từ ngày họ tham gia.

Có thể thấy rằng ý tưởng về thẻ tích điểm ở các quán cà phê không phải là mới, nhưng Starbucks đã thành công khi tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, nơi khách hàng có thể tích lũy điểm để đạt được các giải thưởng ngày một lớn hơn. Điều này đã được chứng minh thông qua một thống kê vào cuối năm 2016, có tới 25% tổng số giao dịch mua của Starbucks tại Mỹ được thực hiện thông qua ứng dụng di động của họ.

--

Mỗi ngày một con số là chuỗi bài viết về Gamification Marketing do Woay (nền tảng thiết kế minigame) tổng hợp & soạn thảo. Thông qua việc chia sẻ con số mỗi ngày, Woay sẽ giúp bạn đến gần hơn với Gamification & cách ứng dụng hiệu quả vào doanh nghiệp.

Tụi mình rất cầu thị lắng nghe góp ý từ bạn đọc. Nên bài viết có sai sót gì mong mọi người góp ý thêm.

Đăng bởi: admin